Khởi nghiệp, kinh doanh và dịch corona

Kinh Doanh, Khởi Nghiệp và Dịch Corona

Có lẽ năm 2020 này là năm khốc liệt nhất với giới kinh doanh. Việc nghỉ Tết sớm đã khiến nhiều nơi lao đao vì đủ thứ chi phí cho Tết. Qua Tết thì dính phát Corona Thần Chưởng. Kiểu giống như ăn nguyên combo đòn chí mạng.

Mấy hôm nay tôi gặp nhiều anh em, nhiều người trong tình trạng “thở oxi”, tức là doanh nghiệp đang hấp hối. Tuy dịch Corona chỉ mới bùng phát 2 tuần, và còn dự đoán sẽ còn hoành hành 2 – 3 tháng nữa.

3 người bạn làm về may mặc gần như đứng hình, không nhập được vải từ Trung Quốc (chiếm 70% nguồn nguyên liệu của các công ty này) nên cả gần 1000 công nhân ngồi chơi xơi nước.

Một chị bạn có 6 cái spa với 80 kỹ thuật viên thì tuần này mỗi ngày được 10 khách. Cuối tuần cũng chỉ nhích lên được 30 khách.

Các nhà hàng thì còn thảm hơn nữa, chưa hết choáng váng từ cái Nghị Định 100 khiến tiêu thụ rượu bia giảm mạnh, thì dính thêm Corona Thần Chưởng khiến khách không dám đến chỗ đông người ăn uống.

Những cao thủ kinh doanh online ngày vài ngàn đơn cũng hấp hối vì không có hàng để bán nhưng vẫn phải nuôi bộ máy mấy chục người.

Các doanh nghiệp trên rơi vào trạng thái đóng băng, doanh số hầu như không đáng kể, không có việc cho nhân viên/công nhân làm nhưng vẫn phải trả lương, tiền mặt bằng, chi phí cơ sở vật chất, lãi vay ngân hàng… Chủ doanh nghiệp đều như ngồi trên lửa.

Đây chỉ là vài người bạn trong mối quan hệ của tôi, còn rất nhiều ngành hàng khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với rủi ro khủng khiếp như thế này. Phải đến 99% là không có sự chuẩn bị cho đợt khủng hoảng này. Hàng không có để bán, nguyên liệu không có để sản xuất, người tiêu dùng thì ở nhà không dám dùng dịch vụ, nhân viên có con phải lo trông con làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Nếu tình trạng kéo dài thêm 2 tháng, thì nó sẽ là một đợt “thảm sát” đối với giới kinh doanh. Ngay cả những công ty có thâm niên và tài chính mạnh cũng gồng mình chịu đựng chứ đừng nói những khởi nghiệp non trẻ.

Thế nhưng họa của người này lại là may mắn của người khác. Các công ty ngành dược, thực phẩm (không phụ thuộc vào Trung Quốc) thì lại hốt tiền. Một người bạn của tôi chỉ trong 3 tiếng đồng hồ chốt xong những đơn hàng tổng 5 triệu chai nước rửa tay khô. Tính mỗi chai ảnh lời 1.000đ thì ảnh đã đút túi 5 tỷ dễ dàng. Một người bạn khác làm về vệ sinh ô tô cũng hốt bạc.

May mắn là các đối tác của tôi đều đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên không bị ảnh hưởng quá nhiều. Họ đã chuẩn bị ngân sách dự phòng cho cả năm nên giờ khá thoải mái. Chứ họ mà thở oxi thì tôi cũng đói nhăn răng.

Qua đợt dịch này, tôi thấy rằng kinh doanh là một trò chơi vô cùng may rủi nếu như doanh nghiệp bị phụ thuộc quá nhiều vào một điều gì đó (ví dụ phụ thuộc nguồn hàng, nguyên liệu từ 1 đối tác hay 1 quốc gia duy nhất, phụ thuộc doanh số vào 1 kênh phân phối hoặc 1 sản phẩm/dịch vụ), và không có kế hoạch tài chính phòng ngừa rủi ro. Một người bạn tôi luôn chuẩn bị tài chính đủ để duy trì công ty trong 6 tháng dù công ty không tạo ra 1 đồng doanh số. Vì vậy tuy cũng khá phụ thuộc và Trung Quốc, nhưng anh ấy rất thoải mái vì đã có khoản phòng ngừa rủi ro.

Vì thế dân đang kinh doanh hoặc chuẩn bị khởi nghiệp phải ghi nhớ kinh nghiệm xương máu từ đợt dịch Corona này.

– Hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào 1 điều gì đó. Hãy luôn có những phương án thay thế. Và luôn chuẩn bị phương án cho kịch bản xấu nhất là những thứ chúng ta đang phụ thuộc vào đều biến mất.

– Luôn có ngân sách phòng ngừa rủi ro xấu nhất là doanh nghiệp bị đóng băng hoạt động vài tháng.

Mong rằng mọi người sẽ bình an vượt qua cơn hoạn nạn này.

Leave a Comment