cách chọn mục tiêu khởi nghiệp

Cách chọn mục tiêu khởi nghiệp đúng đắn

Làm việc gì chúng ta cũng phải có mục tiêu. Con tàu ra khơi mà không biết đi về đâu thì sẽ mãi lênh đênh lạc lối giữa đại dương bao la. Khởi nghiệp cũng vậy, khi khởi nghiệp , chúng ta cần có mục tiêu.

Mục tiêu cũng chính là động lực giúp chúng ta có năng lượng để vượt qua các khó khăn khi khởi nghiệp. Mục tiêu đúng đắn thì động lực sẽ mạnh mẽ và bền bỉ. Mục tiêu sai lầm thì động lực sẽ nhanh chóng biến mất.

Không có mục tiêu rõ ràng, khởi nghiệp cầm chắc thất bại. Thế nhưng, có mục tiêu sai lầm thì lại càng nhanh thất bại.

Có 3 mục tiêu cũng là 3 động lực chính khi khởi nghiệp:

– Một là khởi nghiệp vì hư danh.

– Hai là khởi nghiệp vì tiền.

– Ba là khởi nghiệp vì muốn kiến tạo giá trị, để lại một di sản cho đời.

1. Khởi nghiệp vì hư danh

Động lực thứ nhất, khởi nghiệp vì hư danh là cái mục tiêu trẻ trâu, bồng bột nhất. Thế nhưng tôi thấy đây là bệnh của nhiều bạn trẻ ngày nay. Tôi gọi đây là Kẻ Hão Danh.

Khi mà Nhà nước đang kêu gọi toàn dân khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, truyền thông về khởi nghiệp rầm rộ nhưng lại thiếu đi các chương trình đào tạo, định hướng và hướng dẫn khởi nghiệp đúng đắn và bài bản, thì nhiều bạn trẻ dễ bị cái hào quang truyền thông kia kích thích để lao vào khởi nghiệp với cái suy nghĩ “ta đây khởi nghiệp kinh doanh, cũng oách lắm đấy”.

Tôi may mắn không bị dính vào trường hợp số một, vì bản thân tôi không thích vụ hữu danh vô thực, tôi cũng không có nhu cầu được nổi tiếng. Nhưng nhiều bạn trẻ tôi từng trò chuyện thì không như vậy.

Với động cơ vì hư danh, các bạn sẽ rất nhanh nản vì khởi nghiệp hoàn toàn không phải màu hồng. Thực ra nó chỉ màu hồng khi bạn đã đổ rất nhiều máu, hòa với mồ hôi và nước mắt.

Khởi nghiệp là con đường trầy trật, chưa tới 5% số người khởi nghiệp bước được qua năm thứ 5. Và 5% đó là những kẻ lỳ đòn nhất, chai sạm nhất.

2. Khởi nghiệp vì tiền

Động cơ thứ hai, khởi nghiệp vì tiền. Tôi gọi đây là Người Thực Dụng. Động cơ này tốt hơn cái thứ nhất. Nó là một động cơ có thể giúp người khởi nghiệp có được sự gan lỳ, kiên cường vượt qua sóng bão.

Tuy nhiên, nếu chỉ làm vì tiền thì người khởi nghiệp dễ đánh đổi đạo đức, vi phạm pháp luật. Hoặc về lâu dài, khi đã đạt được mức tài chính nhất định, người khởi nghiệp sẽ rơi vô trạng thái lạc lối, mất ý nghĩa cuộc sống và kinh doanh dẫn tới nhiều hành động sai lầm. Họ cố gắng dùng vật chất, nhục dục để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Tôi đã chứng kiến vài trường hợp như vậy. Đáng tiếc thay.

3. Khởi nghiệp nhằm để lại di sản

Động cơ thứ ba, khởi nghiệp vì muốn tạo giá trị cho xã hội, để lại di sản cho đời sau. Di sản ở đây là những thứ mang lại giá trị lớn cho xã hội.

Có một bác doanh nhân, doanh thu công ty gần ngàn tỷ một năm, chú giờ đã 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài làm việc với mong muốn nâng tầm dịch vụ du lịch Việt Nam. Một doanh nhân khác, cũng đã hơn 60 tuổi, vẫn miệt mài làm việc vì muốn mang nông sản sạch của Việt Nam ra toàn thế giới, và liên tục đầu tư nghiên cứu để tạo ra mô hình sản xuất nông sản sạch có thể áp dụng cho tất cả nông thôn Việt Nam.

Đây là động cơ đúng đắn nhất nhưng lại khó khăn nhất. Tôi gọi đây là Người Lý Tưởng.

Khi khởi nghiệp, chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta sẽ giúp ích gì cho xã hội, chúng ta sẽ cho đi điều gì chứ không phải sẽ nhận được điều gì. Tuy nhiên, loại động cơ này lại dễ dẫn đến thất bại chẳng khác gì động cơ đầu tiên.

Người Lý Tưởng thường thiếu thực dụng, thiếu tính thực tế, hay bay bổng nên không quản lý tốt dòng tiền. Tiền thu được không đủ bù chi phí. Lỗ triền miên rồi phá sản trước khi cái lý tưởng kia thành hình.

Vậy thì động cơ khởi nghiệp nào tốt nhất?

Tôi nghĩ là phối hợp giữa 2 và 3. Đầu tiên, chúng ta cần có một động cơ, lý tưởng khởi nghiệp đúng đắn. Sau đó, trong giai đoạn đầu, chúng ta cần kiếm tiền, cần xây dựng nền tảng tài chính vững chắc. “Có thực mới vực được đạo” – câu này chưa bao giờ sai.

Khi đã có tài chính vững chắc, chúng ta sẽ giảm dần mục tiêu tài chính và tăng dần mục tiêu cho đi, tạo dựng giá trị cho xã hội.

Xác định khởi nghiệp là xác định nắm trong tay hơn 95% là thất bại. Nếu động cơ khởi nghiệp của bạn không đúng và không đủ mạnh, thì 99,5% là bạn sẽ nằm trong nhóm 95% kia.

Vậy bạn đang khởi nghiệp/định khởi nghiệp vì điều gì?

Leave a Comment