kỹ năng xử lý khủng hoảng trong kinh doanh

Xử Lý Khủng Hoảng – Kỹ Năng Cốt Yếu Của Người Kinh Doanh

Có những trường hợp kinh doanh đang rất thuận lợi, nhưng một sự cố nghiêm trọng xảy ra, toàn bộ công sức gây dựng có thể tan thành mây khói.

Một đơn vị sản xuất đồ chay có tâm, đang phát triển rất tốt, nhưng một sản phẩm của họ bị nhiễm khuẩn, làm ngộ độc nghiêm trọng cho vài khách hàng, báo chí đăng rầm rộ. Trong mô hình sản xuất hộ gia đình hoặc hộ sản xuất, thực sự là không thể kiểm soát hết tính vệ sinh của sản phẩm như trong nhà máy.

Vì thế, tuy rằng chủ doanh nghiệp có tâm khi làm sản phẩm, nhưng sự cố vẫn cứ xảy ra, đây là rủi ro chung của cả ngành thực phẩm. Bây giờ khó mà xây dựng lại thương hiệu khi mà khủng hoảng đã quá lớn.

Một doanh nghiệp khác nuôi cá tầm, khi sắp đến thời hạn khai thác thì mưa lũ đổ về làm tràn hồ nuôi, thất thoát gần 1/2 lượng cá. Thiệt hại hàng chục tỷ.

Một xưởng may mặc mới mở rộng, vừa đầu tư dàn máy móc mới. 2 anh bảo vệ làm ca đêm cãi vã nhau gì đó rồi đánh nhau, đánh sao mà cháy luôn xưởng. Cháy luôn cả kho hàng và kho nguyên liệu. Chủ xưởng vừa mất trắng, vừa phải đền hợp đồng cho khách hàng, cái nhà đang thế chấp trong ngân hàng để có tiền nâng cấp xưởng coi như mất.

Trên đây là một vài khủng hoảng lớn, doanh nghiệp nào xui thiệt xui mới gặp phải. Thế nhưng những doanh nghiệp khác thì cũng phải xử lý hàng loạt khủng hoảng “nhỏ” diễn ra liên tục.

Ví dụ như một nhân viên bán hàng giỏi nghỉ việc, kéo hết 30% khách hàng qua công ty đối thủ. Fanpage tự dưng bị khóa trong khi 80% doanh thu đến từ fanpage. Faceboook khóa tài khoản quảng cáo, trong khi hầu hết doanh thu tới từ quảng cáo Facebook. Website bị hack khi mà đây là nguồn doanh thu chính. Một nhóm khách hàng cùng nhau nói xấu doanh nghiệp. Cổ đông yêu cầu thoái vốn gấp trong khi công ty không có nhiều tiền mặt.

Ngoài ra, còn có những khủng hoảng chung ảnh hưởng cả nền kinh tế như dịch bệnh, bong bong bất động sản, khủng hoảng kinh tế, thiên tai…

Vậy mới thấy làm kinh doanh giống như đánh trận, người chủ doanh nghiệp chính là tướng lĩnh, phải mạnh mẽ, sắt đá, bình tĩnh, có khả năng chịu sức ép lớn để lèo lái doanh nghiệp qua những cuộc khủng hoảng.

Nếu bạn đang kinh doanh, hãy liệt kê các điểm yếu của doanh nghiệp bạn, nơi mà có thể xảy ra khủng hoảng, rồi tìm cách khắc phục nó trước. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Tuy nhiên, dù cố gắng kiểm soát đến đâu đi nữa thì khủng hoảng là thứ chắc chắn sẽ đến trong quá trình kinh doanh. Sớm hay muộn, cái lớn đến trước hay cái nhỏ đến trước mà thôi. Chúng ta có thể hạn chế, nhưng không thể triệt tiêu được. Vì thế, quan trọng nhất là người kinh doanh phải chuẩn bị cho mình một tinh thần thép để luôn sẵn sàng khi khủng hoảng xảy ra.

Leave a Comment