phan biet start up va khoi nghiep

Phân biệt Start Up và Khởi Nghiệp

Tôi thấy nhiều bạn trẻ không phân biệt được start up và khởi nghiệp. Nói nhầm lẫn tùm lum mà chém gió rất hăng. Thậm chí, có nhiều người kinh doanh lâu năm cũng không phân biệt được 2 từ này.

Bản thân tôi là người khá “học thuật”, khi làm gì, việc đầu tiên là phải biết và hiểu các thuật ngữ của việc mình làm. Tôi luôn tin rằng để làm tốt một việc nào đó thì mình phải hiểu rõ nó là gì cái đã.

Start Up – Start phát Up luôn.

Thuật ngữ startup dùng để nói những khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc hoặc là làm trong một lĩnh vực mới mẻ.

Theo Eric Ries (tác giả cuốn The Lean Start Up) thì “startup là một định chế/tổ chức con người được thiết kế nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn”.

Tôi có nói chuyện với các anh chị chuyên hỗ trợ khởi nghiệp, start up và gọi vốn, thì thấy rằng để được coi là startup thì doanh nghiệp phải có tiềm năng tăng trưởng doanh thu/khách hàng ít nhất 5 lần trong 1 năm. Để làm được như vậy, dung lượng thị trường phải thật sự lớn. Mô hình kinh doanh phải tinh gọn để khi doanh thu tăng trưởng thần tốc không kéo theo việc phát triển bộ máy quá cồng kềnh.

Như vậy, 1 khởi nghiệp được gọi là start up trong 2 trường hợp sau:

TH 1 – Đáp ứng đủ 3 điều kiện:

1. Scale Up nhanh, minimum x5 doanh thu/khách hàng trong 1 năm.
2. Volume thị trường lớn
3. Bộ máy quản lý tinh gọn, tự động, áp dụng công nghệ

TH 2: làm ra một sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới đối với thị trường đó. (việc copy mô hình kinh doanh của các start up đã thành công ở thị trường khác về VN vẫn được coi là làm ra 1 sp/dv mới)

Như vậy, ta thấy rằng để đáp ứng những điều kiện trên, các start-up hiện nay chủ yếu là start-up về công nghệ. Ngoài ra một số start up hay hay như sản xuất ống hút từ sợi lau, cỏ mía thật sự làm tôi thích thú.

Tôi chỉ là người khởi nghiệp bình thường. Công ty của tôi là một SME (Doanh nghiệp vừa và nhỏ), kinh doanh những mặt hàng bình thường có sẵn trên thị trường. Mô hình kinh doanh cũng không quá khác biệt. Vì thế tôi không bao giờ nhận mình là start up.

Có một chuyên gia về Start Up từng nói: Không giống với SME, có thể có hàng ngàn, hàng chục ngàn doanh nghiệp trong cùng một ngành cùng tồn tại bình thường và sống tốt, với startup thì bạn phải nằm trong top 3 hoặc top 5 hoặc bạn không là gì cả.

Nhiều bạn trẻ mới kinh doanh chút chút đã tự nhận mình là start up. Tôi thấy không nên xíu nào. Nên khiêm tốn và biết mình là ai, đang ở đâu để còn biết phải làm những gì để mà tồn tại.

Leave a Comment