Từ Sea Games đến khởi nghiệp

Công bằng hay bất công – Câu chuyện SEA Games tới khởi nghiệp

Công bằng hay bất công…

khi đội tuyển bóng đá được tung hô nhiều hơn các môn thể thao khác?

khi cầu thủ bóng đá được trả lương cao hơn bác sĩ?

Vừa rồi cộng đồng mạng tranh cãi tại sao đội tuyển bóng đá nam nữ VN được thủ tướng gặp mặt vinh danh trong khi các đội tuyển của các môn thể thao khác không được, mặc dù họ còn mang về nhiều huy chương vàng SEA Games hơn cả bóng đá.

Nghe thì có vẻ bất công, cũng đúng. Vì theo bảng xếp hạng SEA Games, môn bóng đá chỉ đóng góp 2 bộ huy chương, nam và nữ, các môn còn lại đóng cả chục bộ huy chương. Trên bảng xếp hạng thì tất cả các huy chương đều ngang bằng nhau. Vậy thì các đội điền kinh, bơi, võ thuật phải được tôn vinh nhiều hơn bóng đá mới phải.

Mọi thứ đều là tương đối. Hai chữ “công bằng” cũng chỉ là tương đối. Trên bảng xếp hạng thì huy chương nào cũng như nhau. Nhưng với con người, xã hội và nền kinh tế thì hoàn toàn khác nhau.

Môn bóng đá được hàng triệu người theo dõi. Giá trị của chiến thắng, của chiếc huy chương môn này cao vô cùng. Nó mang lại cảm hứng, động lực cho hàng triệu con người. Nó mang lại giá trị thương mại (quảng cáo, bản quyền, bán vé…) vô cùng lớn cho xã hội mà các môn thể thao khác không thể mang lại.

Trong xã hội và nền kinh tế, tất cả đều được quy ra giá trị thương mại, chứ không phải là huy chương. Môn thể thao nào được nhiều người theo dõi thì sẽ có giá trị thương mại cao. Chắc chắn môn đó sẽ được quan tâm chú trọng.

Ở VN thì là bóng đá, ở Mỹ và Philippines là bóng rổ và bóng chày. Một số nước khác là điền kinh, bóng bầu dục…

Đó cũng là lý do tại sao 1 cầu thủ bóng đá, bóng rổ hay một ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ nào đó lại có thu nhập cao gấp hàng ngàn lần một người bác sĩ, công an hay bộ đội.

Người bác sĩ, công an, bộ đội có thể cứu nhiều mạng người. Có là điều cao quý. Nhưng trong xã hội và nền kinh tế thị trường, những điều cao quý nếu không quy ra được giá trị thương mại thì cũng vô nghĩa. (Làm sao để quy tính mạng 1 con người ra bao nhiêu tiền được?)

Và điều đau lòng là những giá trị cao quý nhất thường vượt qua giá trị thương mại. Đó có thể là những câu chuyện lịch sử, những triết lý trường tồn qua năm tháng. Nó sẽ được mọi người biết đến nhưng sẽ mãi mãi không thể quy ra tiền được. Mà không quy được ra tiền thì không thể có thu nhập cao được.

Cũng cần phải hiểu tại sao giá trị thương mại lại quan trọng như vậy. Vì chúng ta phải dựa vào cái gì đó để cân đo đong đếm thì mới biết nền kinh tế hay xã hội có phát triển hay không. Không thể dựa vào những thứ mơ hồ được. Mà trong nền kinh tế thì tiền có lẽ là quan trọng nhất. Vì thế cứ quy ra tiền mà tính.

Một đội bóng, một cầu thủ bóng đá, một ca sĩ, một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn có thể tạo ra một giá trị thương mại vô cùng lớn cho xã hội. Các thương hiệu trả tiền cho sự ảnh hưởng đó để bán được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn. Từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm trực tiếp. Khi thương hiệu bán được nhiều hàng hơn thì các cty cung ứng cho thương hiệu đó cũng sẽ có nhiều việc làm hơn, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm gián tiếp.

Quay lại câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh. Chúng ta phải tạo ra sản phẩm cung cấp giá trị thực tế cho khách hàng. Giá trị của chúng ta mang lại cho khách hàng càng rõ ràng, có thể quy ra tiền bạc (tiết kiệm bao nhiêu tiền, tạo ra bao nhiêu tiền), hay thời gian (tiết kiệm bao nhiêu thời gian) thì khách hàng sẽ càng dễ mua sắm.

Một trong 2 sai lầm lớn nhất trong khởi nghiệp đó là chọn sản phẩm/dịch vụ mà thị trường không cần. Tức là sp/dv không mang lại giá trị mà thị trường mong muốn. Thị trường cần 1 đội bóng đá, chúng ta cung cấp 1 đội điền kinh (đây chỉ là ví dụ, tôi không có ý coi thường bất kỳ một môn thể thao nào, bản thân tôi cũng không phải fan bóng đá, tôi là dân karate) thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại được. Hoặc tồn tại được thì không thể mở rộng được.

Bản thân tôi đã 2 lần khởi nghiệp thất bại vì chọn sai sản phẩm, và một lần xém chết vì chọn sai dịch vụ, mắn mắn là lần này tôi áp dụng MPV (Minimum Viable Product) để test thị trường nên kịp thay đổi cho phù hợp.

Ở các bài tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ thêm về các thất bại của tôi cũng như cách sử dụng MPV để test thị trường. Còn bài này tôi chỉ muốn chia sẻ góc nhìn của một người kinh doanh về các 2 chữ “Công Bằng” . Mong rằng bạn sẽ hiểu hơn về cách xã hội và nền kinh tế này hoạt động như thế nào.

P/s: Tôi xin cảm ơn và chúc mừng các vận động viên VN đã tham dự SEA Games. Tôi trân quý tất cả. Tôi cũng từng thi đấu Karate, tuy chỉ là nghiệp dư, nhưng tôi có thể hiểu phần nào áp lực và những khó khăn mà các bạn phải vượt qua.

Tôi xót xa khi thấy các cầu thủ, đặc biệt là các nữ cầu thủ rướm máu vì sân cỏ nhân tạo. Tôi vô cùng phẫn nộ khi một số vận động viên bị xử ép, chơi xấu. Tôi cũng đồng cảm với áp lực của một vài vận động viên phải gồng gánh chỉ tiêu cả chục huy chương.

Trên hết, tôi quý trọng những gì các bạn mang lại cho xã hội. Như tôi có nói phía trên, những giá trị cao quý nhất thường vượt qua giá trị thương mại. Đó có thể là cảm hứng cho một vài bạn trẻ theo đuổi đam mê trong cuộc sống. Đó có thể là sức mạnh giúp ai đó thay đổi cả cuộc đời.

Nhưng tôi nghĩ, với thể thao, việc vượt qua các giới hạn của chính mình đã là phần thưởng lớn nhất rồi. Nếu có ai đó được truyền cảm hứng từ nỗ lực của chúng ta, thì đó là một giá trị cộng thêm quý giá.

Tôi mong rằng các bạn sẽ tiếp tục nỗ lực, theo đuổi ước mơ và vượt qua các giới hạn tiếp theo.

Leave a Comment