tố chất cần có ở người khởi nghiệp

6 Tố Chất Cần Có ở Người Khởi Nghiệp Kinh Doanh

2 tuần vừa qua tôi bận chuyển văn phòng qua một nơi khang trang, rộng rãi hơn và ở trung tâm Sài Gòn, nên lu bu nhiều việc quá. Chuyển văn phòng trong giai đoạn cả nền kinh tế đứng cứng ngắt thế này thực sự có nhiều rủi ro. Nhưng đến lúc phù hợp thì phải chuyển thôi.

Bây giờ ổn rồi, tôi sẽ viết lại. Và bài viết này coi như bù đắp cho 2 tuần không viết. Thật ra là tôi viết nó trong 2 tuần, mỗi ngày một ít. Các bạn cố gắng đọc hết nhé, nó khá dài đấy.

Một câu hỏi tôi cũng hay nhận được là “tố chất nào một người khởi nghiệp kinh doanh cần có?” Suy đi nghĩ lại, tôi thấy người khởi nghiệp phải có 6 tố chất: Hào phóngLiều lĩnhLỳ LợmLạc QuanHam họcBình tĩnh.

Thứ nhất là Hào phóng

Vũ trụ có một nguyên tắc như thế này: giá trị tài sản của bạn là tổng tài sản mà bạn cho đi. Như vậy muốn giàu, muốn có nhiều tài sản thì trước tiên phải cho đi càng nhiều càng tốt.

Khi khởi nghiệp, bạn phải tự hỏi khởi nghiệp này mang lại giá trị gì cho xã hội trước khi hỏi khởi nghiệp này mang lại cho tôi bao nhiêu tiền. Bạn càng hào phóng cho xã hội bao nhiêu thì xã hội sẽ hoàn đáp cho bạn bấy nhiêu.

Nếu để ý, nhưng kẻ làm ăn chộp dựt, lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trước sau gì cũng chết, chỉ là sớm hay muộn, hoặc không chết thì cũng không lớn ra được vì đơn giản là kinh doanh kiểu đó không mang lại lợi ích cho xã hội.

Hào phóng ở đây không phải là làm từ thiện. Hào phóng là tư duy “mình có thể làm gì cho xã hội này tốt đẹp hơn.”

Hào phóng với khách hàng. Ở công ty bán thực phẩm của tôi, tôi luôn muốn mang lại giá trị tốt nhất, vượt qua cả giá tiền khách trả cho sản phẩm. Khi có khách hàng phàn nàn về một điều gì đó, nếu đúng là lỗi của bên tôi, tôi lập tức gửi tặng quà cho khách. Nếu sản phẩm lỗi, tôi gửi tặng luôn sản phẩn mới kèm 1 sản phẩm khác có giá trị tương đương làm quà xin lỗi. Với mỗi một sự bất tiện gây ra cho khách, tôi đền bù bằng hiện vật hoặc tiền mặt trị giá 20k – 200k/lần.

Hào phóng với nhân viên và cộng tác viên. Hào phóng ở đây không chỉ là đảm bảo thu nhập tốt, mà còn là sự cho đi kiến thức, trải nghiệm và niềm tin của mình với nhân viên.

Hào phóng với xã hội. Không hẳn là từ thiện. Mà có thể là những sự kiện, chuyên đề chia sẻ kiến thức giúp mọi người sống khỏe, sống hạnh phúc hơn.

Hào phóng, hay một từ khác mà tôi rất thích là hào sảng, là tố chất vô cùng quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất đối với người khởi nghiệp kinh doanh. Để nói tường tận thì nhiều lắm, tôi sẽ chia sẻ trong một bài viết khác.

Thứ hai là Liều lĩnh

Liều lĩnh là dám làm cái mới, dám bước qua ngưỡng an toàn của bản thân, dám vượt qua nỗi sợ thất bại và những phản đối của gia đình, rào cản của xã hội.

Bạn nào hay theo dõi bài viết của tôi hẳn đã biết tôi có khả năng kiếm tiền tương đối tốt. Gia đình cũng thuộc loại đủ ăn đủ mặc, nhà cửa đủ đầy và gia đình tôi cũng không muốn tôi kinh doanh, chỉ muốn tôi đi làm công ăn lương. Tháng kiếm vài chục triệu là dễ dàng và thoải mái.

Nói chung, “vùng an toàn” của tôi rất lớn. Thế nhưng tôi vẫn cắm đầu đi khởi nghiệp kinh doanh, vì đơn giản là tôi cảm thấy cứ sống trong vùng an toàn thì cuộc đời vô vị quá, và tôi có những hoài bão lớn hơn nhiều cái vùng an toàn kia. Nên tôi phải liều bước ra để được sống là chính mình.

Thuyền lớn neo mãi nơi cửa sông
Chỉ biết ngóng trông về biển cả
Mục rữa tả tơi theo năm tháng
Hỏi đời có đáng làm thuyền không?

Thứ ba là Lỳ lợm

Khởi nghiệp thường là một chuỗi thất bại trước khi thành công. Người lỳ lợm là người không dừng lại trước một vài thất bại. Thất bại xong họ sẽ tìm cách khác, hướng khác để làm, để khởi nghiệp tiếp.

Nếu không lỳ lợm, chai đòn thì chắc tôi đã từ bỏ con đường khởi nghiệp từ 3 năm trước. Khi ấy tôi thất bại 2 khởi nghiệp đầu. Nợ nần chồng chất. Rồi những lần khởi nghiệp sau, rất nhiều lần tôi chỉ còn vỏn vẹn trong người hơn 100.000đ, ăn tô hủ tíu gõ 15k cũng phải cân nhắc.

Tất cả những lần như vậy tôi đều nghĩ “thôi bỏ quách đi, tại sao phải khổ sở thế này, đi làm công sướng hơn nhiều, bạn bè mình cũng làm công ăn lương thôi, mà bọn nó cũng sung túc đầy đủ kìa.” Thế nhưng hôm sau tôi lại tiếp tục lê lết tiếp con đường khởi nghiệp cho tới bây giờ.

Thứ tư là Lạc quan

Vì khởi nghiệp là một chuỗi thất bại nên người khởi nghiệp phải vô cùng lạc quan, tin tưởng bản thân để bước tiếp. Người ngoài nhìn vô chỉ thấy sự thành công hào nhoáng, chứ mấy ai biết để tung hứng được 3 cái đĩa, người nghệ sĩ đã làm rơi vỡ tang 3000 cái dĩa.

Thất bại trong khởi nghiệp không phải chỉ là phá sản, mà nó là những sai lầm, những thất bại nhỏ. Nếu chúng ta không khắc phục được, thì nhiều cái nhỏ gộp lại sẽ đưa ta đến đoạn đầu đài – phá sản.

Chỉ trong 3 tháng rồi, tôi thất bại không biết bao nhiêu mà kể. Thất bại 3 lần chốt hợp đồng cho công ty agency của tôi. Thất bại về hương án quản lý đơn hàng mới. Thất bại hơn 20 chiến dịch quảng cáo, bay mất gần 200 triệu. Thất bại trong việc đàm phán giá nguyên liệu…

Ok thôi, thất bại thì buồn một chút rồi rút kinh nghiệm và làm tiếp với tâm thế “mình biết sao mình thất bại rồi, lần sau chắc chắn sẽ tốt hơn”.

Người nào mà hay trách móc, bới móc, đổ lỗi thì không khởi nghiệp được đâu nhé. Vì khi kinh doanh, bạn sẽ thất bại nhiều lần và gặp vô số các vấn đề, sẽ không có thời gian cho những việc vô ích kia đâu, tất cả thời gian phải tập trung cho việc tìm phương án giải quyết vấn đề. Và bạn phải lạc quan nhìn vào mặt tốt của vấn đề và giải quyết nó. Chứ cứ bới lông tìm vết, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ cùng nhau mà chìm thôi.

Thứ năm là Ham học

Không chỉ khởi nghiệp, cuộc sống là quá trình học không ngừng nghỉ, học từ thất bại của bản thân, học từ người khác, học từ sách, từ các trung tâm. Luôn luôn tìm ra các bài học cho bản thân từ bất kỳ ai và bất kỳ tình huống nào. Sau đó áp dụng vào chính khởi nghiệp, cuộc sống của mình.

Tôi luôn có ngân sách để mua sách chuyên ngành và đi học hàng năm. Một năm tôi đọc ít nhất 20 cuốn sách về marketing, quản lý và kinh doanh. Còn tính tổng sách tôi đọc thì khoảng 40 – 60 cuốn một năm.

Ngày trước khi thu nhập thấp, tôi thường học online, kiếm khóa học miễn phí, nhưng vẫn dành ra tầm 5 – 10 triệu/năm để đi học các khóa offline. Bây giờ ngân sách đi học của tôi là 50 – 100 triệu/năm.

Tôi biết nhiều doanh chủ hàng năm bỏ vài tỷ đi học trong và ngoài nước, thuê chuyên gia về huấn luyện riêng là chuyện bình thường. Tỷ phú giàu nhất Việt Nam – Phạm Nhật Vượng cũng thuê chuyên gia về đào tạo riêng cho ông liên tục. Học là điều tiên quyết để phát triển.

Ai ngại học, ngại đọc thì không nên khởi nghiệp. Tôi khuyên thật lòng.

Thứ sáu là Bình tĩnh

Trong khởi nghiệp, sự cố có thể xảy ra hàng ngày, có khi hàng giờ. Sự cố từ gia đình, đời sống riêng tư và sự cố kinh doanh. Nếu không có sự bình tĩnh, “cái đầu lạnh”, thì sẽ không thể nhìn ra gốc rễ của vấn đề để giải quyết. Khi bạn học càng nhiều, tiếp xúc nhiều, trải nghiệm nhiều, thất bại nhiều thì sự bình tĩnh sẽ càng được cải thiện.

Có một thời gian tôi xém bị điên. Khi ấy bạn gái tôi giận dỗi đòi chia tay, nhân viên mắc lỗi khiến tôi phải đền bù hợp đồng, nhà cung cấp bị sự cố không cung cấp hàng cho tôi được nữa, khách hàng xin khất thanh toán 2 tháng, chuẩn bị trả lương gần 20 nhân viên và cộng tác viên mà tài khoản còn có hơn 3 triệu, hệ thống web bị lỗi, nhãn mác hàng hóa bị in sai, 1 lô hàng bị lỗi – khách phàn nàn liên hồi, còn mấy cái nữa mà tôi quên rồi.

Lúc ấy đầu tôi căng hơn dây đàn, nhức đầu triền miên. Ngày nào cũng 3 cữ Panadol giảm đau. Rồi tôi thấy rằng như vậy không ổn tí nào, tôi phải bình tĩnh thì mới giải quyết vấn đề được. Tôi mà càng căng thẳng thì vấn đề càng vào ngõ cụt.

Tôi quyết định đi mát xa (mát xa Thái hoàn toàn lành mạnh nghen, không phải mát xa trong ngoặc kép hen), mua bó lá xông về xông, ngủ một giấc thật đã, sáng dậy tắm thật lâu rồi pha một ly cà phê, ra ngoài hiên vừa nhâm nhi vừa nhìn mấy con chim sẻ ríu rít bay loạn xì ngầu trên cành cây. Không nghĩ gì hết, chỉ đơn giản là uống cà phê và ngắm chim sẻ mà thôi.

Tôi lên văn phòng, họp với các bạn, phân tích loại toàn bộ các vấn đề, liên hệ với vài người bạn đề nghị họ giúp đỡ và rồi thấy rằng các vấn đề cũng không phải là quá khó như mình nghĩ ban đầu.

Hào phóng – Liều lĩnh – Lỳ lợm – Lạc quan – Ham học – Bình tĩnh. Tôi thấy đây là 6 tố chất giúp tôi vẫn tồn tại đến bây giờ. Tất nhiên với mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau. 6 cái của tôi chưa chắc đúng, chỉ là tôi thấy nó đúng với tôi và nhiều người bạn doanh chủ của tôi. Vì thế, nếu bạn thấy còn tố chất nào quan trọng nữa thì cứ comment/bình luận bên dưới nhé.

Leave a Comment